Nguyễn Thị Nguyệt

“Người Việt mình” trong con mắt chúng ta

Đăng 8 năm trước

Cách gọi "người Việt mình" để ám chỉ những người khác làm việc gì đó không nên thật sự đã trở thành tật xấu của một bộ phận lớn người dân Việt Nam.

"Người Việt mình", "dân ta", "Việt Nam mình", "ở nước ta"… là những cụm từ thường được chính nhân dân Việt Nam gọi đồng bào mình khi bàn luận, đề cập đến vấn đề nóng gì đó, đặc biệt là những thói hư, tật xấu. Vậy người nói có bao giờ nghĩ mình cũng thuộc trong nhóm "người Việt mình" đó.

Những bình luận kiểu “người Việt mình”

Khi xem các chương trình, bộ phim của nước ngoài, người xem thường hay có những bình luận xung quanh bộ phim. Và rồi chủ yếu trong số đó là đem so sánh nước mình với nước họ. Nào là “Người Việt mình còn lâu mới được như thế”, “Trẻ con Hàn quốc lễ phép mà ngoan, còn trẻ em Việt mình thì..”, “Ở nước ngoài họ sống văn minh thật, còn dân ta thì toàn nói xấu người khác”….Rất nhiều nhận xét, so bì được đưa ra, và đa số là tự bôi xấu người đất nước mình.

Tin tức đưa tin về những vụ hôi của, phía dưới trang tin là hàng ngàn lượt bình luận. Người này chê kiểu này, người khác trách kiểu khác. Nhưng rất nhiều trong những nhận xét đó là cái kiểu vơ đúa cả năm “Dân Việt mình sống rứa hỏi sao không phát triển được”, “Dân ta thì thế là cùng”, “Không hiểu dân Việt mình sống kiểu chi?”, “Nhật Bản động đất họ còn xếp hàng nhận đồ cứu trợ, còn người Việt mình thì…”. Nhưng thử hỏi, nếu có sự cố rơi đồ xảy ra gần nhà bạn, bạn có chạy ra hôi của như “người Việt mình” không?

Mô tả hình ảnh

Nhiều câu chuyện châm biếm, tranh biếm họa về người Việt Nam được truyền tay nhau. Tuy nhiên, có thể thấy những câu chuyện kể về sự dũng cảm, thông minh của nhân dân ta thì ít mà chuyện bịa tật xấu lại nhiều. Người kể thường đưa nhân vật người Việt Nam với người Pháp, Mỹ, Nhật để đưa vào câu chuyện của họ. Và rồi cuối câu chuyện thường là những cái kết bất ngờ. Ví dụ như câu chuyện “Người Việt đi máy bay”. Trên chuyến bay vì thời tiết xấu nên phải có người chịu hi sinh nhảy xuống để giữ máy bay được thăng bằng. Những người nước khác với tinh thần riêng lần lượt nhảy xuống để bảo vệ những người còn lại. Đến cuối cùng còn 2 người Việt và 2 người Đức. 2 anh chàng Việt hét lên “Việt Nam vô địch!” rồi đẩy 2 thằng người Đức xuống. Mặc dù những câu chuyện châm biếm theo kiểu Việt Nam vô đối này có phần đúng sự thật với một số bộ phận, nhưng khi mọi người cùng nhau chuyền miệng nhau rồi cười kiểu khoái chí khi đọc chúng thì tức là mọi người cho rằng mình không thuộc số đó. Nhưng sự thật có phải như thế.

Mô tả hình ảnh

Khi đi họp tổ dân phố, lấy ý kiến dân, mọi người có nhiều ý kiến muốn phát biểu nhưng không ai dám đứng dậy trình bày. Hay khi bầu cử đề bạt, dù phản đối cũng không ai đưa ra ý kiến. Nhưng khi buổi họp kết thúc, mọi người lại cùng nhau bàn tán theo kiểu “Dân ta chán chết được, ở nhà thì mạnh lắm, lên đây không ai dám nói”. Thế tại sao lúc đó mình không đứng lên nói mà giờ lại đi trách người khác.

Bài học rút ra

Khi tôi chia sẻ bài viết này, thì chính tôi cũng đang lập luận trên cái nền “người Việt mình”. Sự thật không phải tất cả mọi người đều có suy nghĩ người ta thế này, người khác thế kia còn cho mình tốt đẹp. Tuy nhiên rất nhiều người đã và đang sống như thế, khi mà chỉ biết nói người khác còn không bao giờ chịu nhìn nhận bản thân mình. Cá nhân là một thành phần của cộng đồng xã hội. Mình nghĩ “dân ta” như thế, tức là đang cho rằng mình cũng như thế. Thay vì chỉ biết bình luận, nhận xét thì hãy cố gắng sống tốt hơn để phát triển đất nước mình.


Có thể bạn quan tâm

Những bức ảnh khiến bạn phải sửng sốt về cuộc sống

Bạn muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn-Hãy tạo cho mình 7 loại danh sách sau!

Cùng nhau suy luận thông điệp cuộc sống qua tranh vẽ

Con cái hắt hủi cha mẹ

Chủ đề chính: #người_Việt_mình

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn